Trồng cây cuồng nhiệt, Bắc Kinh biến thành cái bẫy ô nhiễm khổng lồ?


 (NLĐO) – Chiến dịch trồng cây xanh quy mô lớn của Bắc Kinh khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố này tồi tệ hơn, South China Morning Post (SCMP) đưa tin ngày 31-8.

Dự án "Bức tường xanh vĩ đại" làm giảm 15% khả năng phân tán bụi siêu mịn hay còn gọi là bụi PM 2.5 (đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) xuyên suốt đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Bắc Kinh hồi tháng 1-2014, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Atmospheric Chemistry and Physics vào đầu tháng này.

Nghiên cứu trên được tiến hành chung bởi các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Môi trường Trái đất, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, và Trung tâm nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ.

Vào thời điểm ô nhiễm khói bụi nặng nề nhất xuyên suốt thời gian nghiên cứu, PM 2.5 đạt mức 350 microgam/m3 không khí, cao gấp 14 lần mức an toàn được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).

Theo các nhà nghiên cứu, "Bức tường xanh vĩ đại" làm giảm tốc độ gió, qua đó làm giảm khả năng phân tán khói bụi ô nhiễm. Điều này đã biến Bắc Kinh thành một "chiếc bẫy khổng lồ" với các chất gây ô nhiễm không khí mắc kẹt lại.

Trung Quốc đã thực hiện điều mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) mô tả là chiến dịch trồng cây quy mô lớn nhất thế giới, làm tăng mức bao phủ rừng quốc gia từ 8,6% vào năm 1949 đến 21,7% vào năm 2017.

Mối tương quan giữa chiến dịch trồng cây và ô nhiễm khói bụi đã trở thành chủ đề tranh cãi trong suốt nhiều năm. Chính phủ Trung Quốc liên tục bác thông tin chiến dịch trồng cây của họ vô tình làm gia tăng khói bụi ở Bắc Kinh và những khu vực khác. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người dân Bắc Kinh khẳng định "cây càng nhiều, khói bụi càng nhiều".

Tổng quát, "Bức tường xanh vĩ đại" làm tăng 6% các chất gây ô nhiễm không khí ở toàn bộ khu vực nghiên cứu rộng 218.000 km2 ở phía Bắc Trung Quốc, bao gồm TP Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc lân cận và TP Thiên Tân. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên 15% khi các khu vực chưa được trồng cây phủ đầy cây, các nhà nghiên cứu kết luận.

Trả lời