Theo báo Guardian (Anh), dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 4.300 thành phố thuộc 108 quốc gia, nghiên cứu chỉ ra sự bất bình đẳng giàu - nghèo trong vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng: 7 triệu người chết vì ô nhiễm mỗi năm hầu hết ở các nước đang phát triển.
Bà Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Sức khỏe cộng đồng - Môi trường và Yếu tố xã hội tác động lên sức khỏe của WHO, cho biết nghiên cứu của họ tập trung vào các hạt bụi nguy hiểm có đường kính 2,5-10 micromet (PM10) và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5).
Các hạt bụi ô nhiễm này có khả năng thâm nhập sâu vào phổi, gây ra các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ và rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo WHO, ô nhiễm không khí khiến khoảng 4,2 triệu người chết trong năm 2016, trong đó người dân châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Còn đài CNN cho hay hơn 90% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở 2 khu vực này.
TP Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan, TP Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, thủ đô Cairo ở Ai Cập, TP Al Jubail ở Ả Rập Saudi là những đô thị có nồng độ ô nhiễm cao nhất.
Đặc biệt, 13 trong tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2016 nằm ở Ấn Độ, theo trang The States Man (Ấn Độ). Trong khi đó, một số thành phố ở Mỹ, châu Âu và phía Đông Địa Trung Hải cũng có mức ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép của WHO.