NỒNG ĐỘ OZONE XUNG QUANH CHÚNG TA

Tầng ôzôn (O3) như một tấm khiên chắn bảo vệ con người chống lại các tia tử ngoại độc hại, nhưng khi chất khí này khi ở mặt đất (còn gọi là ôzôn tầng đối lưu hay ôzôn tầng mặt) lại trở thành chất ô nhiễm, gây hiệu ứng nhà kính, chỉ đứng sau CO2 và CH4. Mỗi phân tử O3 gia tăng trong khí quyển mạnh hơn khoảng 1.200 - 2.000 lần so với gia tăng phân tử CO2 trong quá trình gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. O3 cũng là thành phần chính của khói mù quang hóa, là yếu tố nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Ô nhiễm ôzôn có thể làm cho bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên trầm trọng hơn và làm giảm khả năng chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp của cơ thể. Chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam đang ngày càng bị ô nhiễm bởi hoạt động của con người (quá trình sản xuất, giao thông vận tải)


Gần đây, các nhà quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường Miền Bắc đã thực hiện một nghiên cứu về sự biến động nồng độ ozone tầng mặt tại một số khu vực Miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, Phú Thọ và Quảng Ninh. Kết quả chỉ ra rằng:

Biến động nồng độ ôzôn theo giờ trong ngày tại các khu vực nghiên cứu dao động trong khoảng 8,8 μg/m3 - 79,9 μg/m3. Nồng độ ôzôn trung bình vào 12 giờ trưa tại địa điểm Hà Nội cao gấp đôi so với Quảng Ninh, gấp khoảng 4 lần so với Phú Thọ. Vào các thời điểm trong ngày, cả 3 khu vực đều cho thấy sự tăng giảm của nồng độ ôzôn theo quy luật, tăng lên vào buổi sáng, đạt giá trị cực đại vào buổi trưa và giảm dần vào chiều tối, cường độ ánh sáng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sự biến động nồng độ ôzôn tầng mặt.

Các ngày trong tuần nồng độ ôzôn và các chất ô nhiễm cao vào các ngày từ thứ 2 - thứ 6. Tuy nhiên, nồng độ ôzôn có giá trị thấp vào ngày cuối tuần, nguyên nhân có thể hiểu là do các hoạt động sản xuất và đi lại đều giảm hơn vào cuối tuần. Nồng độ ôzôn trong tuần của Hà Nội cao hơn hẳn so với 2 vị trí còn lại.

Vào mùa mưa nồng độ ôzôn tầng mặt có giá trị thấp hơn nhưng biến động lại cao hơn so với mùa khô. Mùa khô, mức độ ô nhiễm tăng cao do sự kết hợp của các yếu tố khí tượng. Từ đó có thể thấy, nồng độ ôzôn tại cả 3 vị trí đều có sự phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Để lại một bình luận