Cô bé Erdenechimeg mười lăm tuổi mặc đồng phục trường học và đi bộ hàng ngày đến trường.
Ở Ulaanbaatar, Mông Cổ ngày hôm nay bầu trời trong xanh trên con đường cô bé đi học; tuy nhiên khi trời vào mùa đông, người dân thường đốt than để sưởi ấm, nhiệt độ thường xuyên giảm xuống còn âm 30 độ C. Khi đi học, cô bé lạnh rúm người và phải dùng đèn pin của điện thoại di động để soi đường.
"Các bạn có thể thấy bụi ô nhiễm trôi nổi trong không khí," cô nói, "và vì mình không có khẩu trang chống ô nhiễm thích hợp nên mình chỉ quấn khăn quàng cổ kín xung quanh đầu."
Erdenechimeg sống ở thủ đô lạnh nhất thế giới, trong một quận “ger” - được lấy tên từ những chiếc lều tròn mà những người du cư gọi là nhà và mang theo khi họ di chuyển đến thành phố.
Vào buổi sáng lạnh lẽo và những giờ đầu buổi tối, khi mức độ khói thường là cao nhất, chính là khi hàng ngàn học sinhtre như Erdenechimeg đi bộ đến trường và trở về nhà.
Erdenechimeg là một trong rất nhiều học sinh thành phố mà chính phủ Mông Cổ hy vọng sẽ trở thành chiến sĩ bảo vệ môi trường với rất nhiều vai trò dự định. Đây cũng như là một nỗ lực mà Mông Cổ với tư cách là một nước thành viên của chiến dịch BreatheLife góp phần giảm tử vong do ô nhiễm không khí.
Erdenechimeg cũng nằm trong số 50 học sinh từ 25 trường ở quận Bayanzurkh District được huấn luyện sử dụng máy giám sát ô nhiễm không khí để đo và ghi lại chất lượng không khí nơi các em sống và học tập, và viết các bài viết về những trải nghiệm, điều này sẽ đóng góp một phần vào chương trình Voices of Youth Maps do UNICEF tổ chức.
Dự án lập bản đồ đã được triển khai trong bảy năm nay, cho phép giới trẻ trên thế giới chụp ảnh, dán nhãn và tải lên bản đồ những mối đe dọa môi trường mà họ vừa gặp phải, từ những hiểm họa về lũ lụt hay các mối nguy hiểm khác trong khu ổ chuột Rio de Janeiro đến những rủi ro về môi trường ở Zimbabwe - đây cũng là nguồn cảm hứng cho dự án này của Mông Cổ.
Đầu năm nay, Erdenechimeg và nhóm bạn của cô bé về bản đồ ô nhiễm không khí trong phòng học, phát hiện ra rằng những phòng có máy lọc không khí thì có số đo từ là 42 đến 46, trong khi những phòng không có thì con số này là trên 80.
UNICEF hy vọng rằng bằng chứng từ việc lập bản đồ kỹ thuật số ô nhiễm không khí, cùng với kết quả của các hoạt động nâng cao nhận thức và vận động sẽ thúc đẩy các bên liên quan thực hiện hành động nhằm giảm ô nhiễm không khí.
“Mục đích của chúng tôi là không chỉ nâng cao nhận thức của giới trẻ về ô nhiễm không khí và tác động của nó đối với sức khỏe, mà quan trọng nhất là định hướng cho các em từ khi còn trẻ để trở thành những người giải quyết được vấn đề và người làm nên những thay đổi. Chỉ đơn giản là hiểu biết về vấn đề này và truyền đạt kiến thức đó đến bạn bè, gia đình và cộng đồng của họ đã là sự đóng góp đầy ý nghĩa của giới trẻ rồi.” Bà Ariunzaya Davaa, Chuyên gia về truyền thông của UNICEF Mông Cổ cho biết.
Những ảnh hưởng sức khỏe đã tác động đến nhận thức công chúng và quốc tế vào cuối tháng 1 năm nay, khi nồng độ của các hạt siêu mịn trong không khí (gọi là PM2.5) ở thủ đô Ulaanbaatar đạt 3,320 microgam trên một mét khối, cao hơn 133 lần so với khuyến nghị của WHO, thúc đẩy WHO và UNICEF đưa ra các hướng dẫn về giảm ô nhiễm không khí ở Mông Cổ.
Chính phủ muốn chiêu mộ các chiến sĩ bảo vệ môi trường và khởi động sáng kiến Green Passport
Tình trạng chất lượng không khí mùa đông ngày càng tồi tệ của Ulaanbaatar cũng thúc giục Bộ Môi trường và Du lịch giúp học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông hướng tới các giải pháp cho các vấn đề môi trường và thúc đẩy đổi mới môi trường.
Bộ trưởng Môi trường và Du lịch của Mông Cổ, ông Tserenbat Namsrai hy vọng sáng kiến này sẽ nuôi dưỡng những chiến sĩ bảo vệ môi trường trẻ, những người sẽ mang lại môi trường tốt nhất cho cộng đồng và tích cực làm việc để giảm thiểu ô nhiễm và các vấn đề môi trường khác.
Mục tiêu cuối cùng là mỗi gia đình có ít nhất một chiến sĩ bảo vệ môi trường trong nhà của mình.
Trọng tâm chính là xây dựng các câu lạc bộ sinh thái ở các trường học trong thành phố, qua đó học sinh sẽ được tham gia Cuộc thi Hộ chiếu Xanh Quốc gia (the National Green Passport Challenge), xoay quanh việc hoàn thành 12 hoạt động bao gồm mọi thứ từ pin tái chế đến bảo vệ và tiết kiệm nước.
Các hoạt động cho các thành viên câu lạc bộ sinh thái và các học sinh khác sẽ xoay quanh bốn chủ đề môi trường: hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tiêu dùng có trách nhiệm, kinh doanh và đổi mới môi trường, và các ảnh hưởng sức khỏe và biện pháp bảo vệ.
Các sáng kiến này nhằm trang bị cho các học sinh như cô bé Erdenechimeg về các kiến thức cũng như các bằng chứng khoa học về thực tế và tác động của ô nhiễm không khí, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy rộng hơn, cho các em công cụ để hành động, đổi mới, kể những câu chuyện của các em và vẽ lên một tương lai với bầu trời trong xanh, không khí trong lành hơn.