Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ, tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 8 lần ô nhiễm không khí ngoài trời.
Nguồn chính gây ô nhiễm trong nhà là bụi thông thường. Khảo sát tại Mỹ cho thấy cứ 6 phòng trong ngôi nhà (tổng diện tích khoảng 450 m2) sẽ “thu” được 18 kg bụi/năm. Và những hạt bụi li ti này sẽ được tích lũy trong vải bọc ghế, màn, gối, khăn và các đồ nội thất trong nhà… Ngoài ra, bụi còn tích tụ ở lông vật nuôi, côn trùng, thức ăn, phấn hoa, bào tử, nấm mốc. Tất cả tạo thành môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển, gây bệnh. Thêm vào đó, nếu trong nhà ẩm ướt do thời tiết hay do máy tạo ẩm thì sẽ tạo điều kiện cho bụi ve, nấm mốc phát triển.
Tiếp đến là khói thuốc lá. Ở những nhà có người lớn hút thuốc, không khí độc hại đến mức trẻ em sẽ có nguy cơ rất cao bị hen suyễn, viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản; còn người già có nguy cơ bị chứng mất trí. Các hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ bay hơi có trong sơn, dung môi, chất tẩy rửa, nước xịt phòng… đều có thể là nguồn gây ô nhiễm.
Một trong những yếu tố đầu tiên để cải thiện chất lượng không khí trong nhà là phải sạch. Việc vệ sinh, hút bụi, lau chùi đồ đạc, sàn nhà cần được tiến hành thường xuyên để hạn chế sự lưu cữu của bụi, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại điều hòa có chức năng phóng thích I-on Hydro và Oxy hoạt tính, khi kết hợp với các chất có hại gốc OH, nấm mốc, vi khuẩn… các phân tử này sẽ chuyển hoá chúng thành nước vô hại cũng như có khả năng lọc bụi và mạt bụi, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng trong không khí ở mức cao.
Bên cạnh đó, cần giữ cho nhà cửa luôn khô ráo, đặc biệt là khi thời tiết ẩm nồm. Việc đóng kín cửa, bật điều hòa sẽ hạn chế hơi ẩm vào nhà hơn là mở tung cửa. Và cuối cùng là phải tạo ra một môi trường không hút thuốc trong nhà cũng như hạn chế sử dụng sơn, chất tẩy rửa, nước xịt phòng…
Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà và trong nhà cũng là 1 biện pháp giảm ô nhiễm không khí hiệu quả. Sau đây là 10 loại cây có tác dụng hút khí độc trong nhà
1. Thiết mộc lan
Đây là cây có lá mọc thành hình nơ (hoa thị), bóng và sẫm màu, phiến lá có sọc rộng nhạt màu hơn và ngả vàng ở phần trung tâm. Là loại cây bụi phát triển chậm với các lá dài. Thiết mộc lan có thể hút khí toluen và khí CO. Ngoài ra, thiết mộc lan dùng để trang trí phòng khách cho không gian phòng khách trở nên thông thoáng hơn.
2. Cây ngũ gia bì
Có tên khác là xuyên gia bì hay thích gia bì, cao 2 – 3m , nhiều lá, thân trắng, vò dày. Vỏ có thể được dùng làm thuốc.
3. Cỏ seo gà
Cây này có nhiều tên gọi như phượng vĩ thảo, hùng kê thảo, kê cước thảo, kim kê vĩ… Đây là loại cây nhỏ sống nhiều năm, lá mọc thành chùm xòe ra như đuôi gà.
4. Cây lô hội
Còn gọi là nha đam, đây là cây thảo sống nhiều năm, lá màu xanh lục, không cuống, mọc sít nhau, dày, hình 3 cạnh, mép dày, có răng cưa thô. Cây lô hội có thể hút khí aldehyde formic, cacbonic, cacbondioxit.
5. Cây dương xỉ
Dương xỉ có thể trồng trong mọi môi trường, nhưng cần được chăm sóc thường xuyên. Theo nghiên cứu, cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic. Dương xỉ đẹp, tươi tốt và trồng trong mọi môi trường, nhưng cần được chăm sóc thường xuyên.
6. Cây hoa đá
Cây hoa đá được nhiều người trồng trong nhà. Cây hoa đá được nhiều hộ dân trồng trong nhà hoặc văn phòng làm việc để lọc chất độc từ đồ nội thất.
7. Cây lá dứa
Cây lá dứa cũng được xếp vào hàng những loài cây chịu được điều kiện sống trong nhà. Loài cây này rất phổ biến trong số những cây trồng trong nhà vào thập niên 1970. Cây lá dứa rất nổi tiếng trong gian bếp của các bà nội trợ ở vùng Đông Nam Á bởi mùi thơm dịu nhẹ làm tăng thêm mùi vị thơm ngon cho những món ăn dân dã.
8. Cây xương rồng
Họ xương rồng có 24 – 220 chi, tùy theo nguồn, có từ 1.500 đến 1.800 loài. Trồng xương rồng trong phòng ở hoặc làm việc sẽ tạo không khí tươi mát, có lợi cho sức khỏe vì ban đêm cây nhả nhiều ion âm thiên nhiên rất cần đối với tế bào cơ thể con người, nhất là người cao tuổi, thích hợp với phong thủy.
9. Cây phất dụ
Loại cây này có thể lọc các loại khí xylene, formaldehyde, trichloroethylene vốn có nhiều trong các sản phẩm sơn mài, sơn dầu và chống thấm. Cây phất dụ phù hợp trồng trong văn phòng có trần nhà cao và ánh sáng mặt trời vừa phải.
10. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ rất quen thuộc, và thực sự sẽ gây ngộ độc nếu bạn ăn vào. Ngược lại, nó cũng có tác dụng giải độc, vì lọc được các khí như formaldehyde. Cây dễ sống, do vậy phù hợp với người ít có thời gian chăm sóc. Vì formaldehyde bay hơi chủ yếu từ các sản phẩm vệ sinh cá nhân, nên cây lưỡi hổ sẽ có hiệu quả nhất khi đặt trong nhà tắm.
Nguồn: Tạp chí Môi Trường